Trong vài năm gần đây ngành nhựa đã và đang có những bước
phát triển ấn tượng, tuy nhiên, đứng trước làn sóng hội nhập, cũng như
nhiều lĩnh vực kinh tế khác, các doanh nghiệp nhựa Việt cũng phải tự
xoay xở để đứng vững khi thị trường càng rộng mở kéo theo áp lực cạnh
tranh ngày càng lớn.
Thách thức và cơ hội
Nhựa
đã trở thành nguyên liệu thiết yếu trong sản xuất công nghiệp cũng như
dân dụng, vài năm trở lại đây, ngành nhựa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng
cao. Theo số liệu của Bộ Công thương, cả nước có khoảng hơn 2.200 doanh
nghiệp hoạt động trong ngành nhựa, trong đó hơn 80% tập trung chủ yếu ở
TP.HCM. Trong 3 năm trở lại đây, ngành nhựa tăng trưởng rất ấn tượng,
đạt 15% - 17%/năm với nhiều tên tuổi có tiếng. Trong lĩnh vực nhựa xây
dựng có Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh; nhựa gia dụng có Duy Tân, Đại
Đồng Tiến; túi nhựa sinh học có Nhựa An Phát...
Ngoài ra, kỳ vọng
lớn nhất của ngành nhựa Việt hiện nay chính là 3 hiệp định thương mại
bao gồm: Thương mại tự do Việt - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định
Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn
diện khu vực (RCEP). Khi các hiệp định này có hiệu lực, cũng đồng nghĩa
với việc thị trường dành cho ngành nhựa Việt sẽ rộng mở hơn, đồng thời
áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng lớn. Các doanh nghiệp nhựa trong nước nếu
không đủ mạnh để mở rộng quy mô, gia tăng thị phần thì dễ bị thâu tóm
bởi các doanh nghiệp nhựa ngoại.
Ngành
nhựa nói chung, trong đó, lĩnh vực bao bì nhựa nói riêng có tốc độ tăng
trưởng nhanh, trở thành một ngành thiết yếu, hỗ trợ đắc lực cho các
ngành kinh tế trọng yếu khác.
Gần đây, các doanh nghiệp đến từ
Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạo nên làn sóng thâu tóm các doanh
nghiệp nhựa - bao bì Việt Nam để rút ngắn quá trình thâm nhập thị
trường. Đơn cử, tập đoàn SCG đến từ Thái Lan đã quyết định chi thêm 44
triệu USD để thâu tóm Bao bì Tín Thành (Batico), một trong 5 doanh
nghiệp lớn của ngành bao bì nhựa. Tập đoàn Hàn Quốc Dongwon Systems mua
cùng lúc hai doanh nghiệp lớn là Bao bì nhựa Tân Tiến và Bao bì Minh
Việt (Mivipack) - vốn là công ty bao bì thuộc Masan Group... Điều này đã
tạo ra thách thức cho không ít doanh nghiệp nhựa trong nước.
Đón đầu hội nhập
Để
thoát khỏi việc bị thâu tóm và có thể đứng vững phát triển lâu dài trên
thị trường, một số doanh nghiệp nhựa lớn, tiềm lực mạnh đã chọn cách mở
rộng nhà máy, chuẩn bị nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh các sản phẩm có giá
trị gia tăng cao để tăng năng lực cạnh tranh.
Nhựa Bình Minh (BMP)
đã đưa nhà máy tại Long An vào hoạt động từ cuối năm 2015 để đáp ứng
mức tiêu thụ lớn trong nước. Nhựa Tiền Phong đã thông qua việc sáp nhập
Nhựa Năm Sao, đưa vào hoạt động giai đoạn 1 nhà máy tại Miền Trung với
công suất từ 10.000 - 15.000 tấn/năm. Nhựa Đông Á cũng đưa nhà máy sản
xuất tấm profile đi vào hoạt động trong năm 2015 với kỳ vọng đứng đầu
lĩnh vực nhựa xây dựng và vật liệu quảng cáo...
Một trong những
doanh nghiệp đang có động thái mở rộng quy mô mạnh mẽ là CTCP Nhựa và
Môi trường xanh An Phát (An Phát Plastic - AAA). Hiện, An Phát đã có 4
nhà máy sản xuất bao bì đang vận hành (nhà máy số 1, số 2, số 3 và số 5)
với sản lượng hơn 4.000 tấn/tháng và hai nhà máy (số 6 và số 7) đang
được xây dựng ở những công đoạn cuối. An Phát kỳ vọng 2 nhà máy số 6 và
số 7 khi đi vào hoạt động sẽ giúp tăng hiệu suất và chất lượng sản phẩm,
cải thiện biên lợi nhuận cho toàn công ty. Ngoài ra, khi 2 nhà máy đi
vào hoạt động sẽ giúp công suất công ty tăng gấp đôi và trở thành nhà
sản xuất bao bì màng mỏng tiềm lực ở Châu Á. Đặc biệt, trước việc ngành
nhựa đang phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu từ nước ngoài, nhựa An Phát
đã chủ động giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung khi tự sản xuất CaCO3,
chất phụ gia chiếm tỷ trọng cao trong quá trình sản xuất.
Ông
Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhựa và Môi trường Xanh An Phát
chia sẻ. “Công ty đã chủ động tăng vốn liên tục để chuẩn bị cho chiến
lược dài hơi là dẫn đầu thị phần xuất khẩu túi nhựa màng mỏng vào những
thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và EU. Bên cạnh chinh phục thị
trường xuất khẩu, chúng tôi cũng đang có kế hoạch xây dựng nhà máy số 8,
tập trung cho dòng sản phẩm bao bì màng phức phục vụ cho thị trường nội
địa. Quy mô dự án sản xuất 7.200 tấn sản phẩm bao bì màng phức/năm với
tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 500 tỷ đồng”.
Theo quy hoạch phát
triển ngành nhựa đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được Bộ Công thương phê
duyệt, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành nhựa giai
đoạn 2011 - 2020 sẽ đạt 17,5%; tỷ trọng ngành nhựa so với toàn ngành
công nghiệp đến năm 2020 đạt 5,5%. Phấn đấu đưa mục tiêu phát triển của
ngành nhựa đến năm 2020 sẽ trở thành một ngành kinh tế mạnh với tốc độ
tăng trưởng cao và bền vững, trở thành ngành công nghiệp tự chủ, có khả
năng hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới. Vì vậy, với nhiều yếu tố,
cơ hội phát triển còn rất rộng mở nhưng chỉ thuộc về những doanh nghiệp
có tiềm lực, chủ động nắm bắt thời thế.
Theo Trí Thức Trẻ